Hầu hết các nước đều chọn giải pháp dỡ bỏ dần các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội để đưa cuộc sống trở lại ‘bình thường mới’.
Châu Âu chấp nhận “bình thường mới”
Nhiều nước châu Âu đã phải chấp nhận trở lại cuộc sống sau phong tỏa trong tình trạng “bình thường mới”, tức có nghĩa tiếp tục giãn cách xã hội, đeo khẩu trang ở nhiều điểm theo quy định…
Tại Bỉ, các doanh nghiệp đóng cửa thời gian qua chuẩn bị đón nhân viên trở lại làm việc từ ngày hôm nay 4-5. Khẩu trang trở thành bắt buộc trong giao thông công cộng đối với người trên 12 tuổi. Các hoạt động thể thao ở ngoài trời như tennis, golf hoặc chèo thuyền kayak được phép nối lại.
Hầu hết các doanh nghiệp sẽ mở cửa trở lại từ ngày 11-5, với điều kiện đảm bảo cách ly xã hội. Một số lớp học sẽ đón học sinh vào ngày 18-5, với tối đa 10 người mỗi lớp. Các nhà hàng chỉ được mở cửa trở lại sớm nhất là ngày từ 8-6.
Kể từ ngày 2-5, người dân Tây Ban Nha bắt đầu được phép đi dạo hoặc chơi thể thao bên ngoài. Mặc dù lệnh phong tỏa được thông báo sẽ kéo dài tới ngày 9-5, nhưng Thủ tướng Pedro Sanchez đã công bố kế hoạch bắt đầu nới lỏng từng bước các biện pháp hạn chế theo 4 giai đoạn và dự kiến kết thúc vào cuối tháng 6.
Tây Ban Nha từng thực hiện một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất trên thế giới kể từ ngày 14-3 để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, theo đó người lớn chỉ được phép ra khỏi nhà để mua lương thực, thuốc men hoặc dắt chó đi dạo.
Tại Ý, người dân có thể đi thăm gia đình và gặp gỡ người thân với số lượng hạn chế. Các công viên sẽ mở cửa trở lại nhưng vẫn duy trì các biện pháp giãn cách xã hội. Lĩnh vực sản xuất, xây dựng và phân phối cho đại lý được phép hoạt động từ ngày 4-5.
Các quán bar, nhà hàng và các cơ sở thẩm mỹ chỉ được bán cho khách hàng mang về, việc mở lại hoàn toàn phải đợi tới ngày 1-6. Vào ngày 18-5, tất cả các doanh nghiệp bán lẻ, bảo tàng, địa điểm văn hóa và thư viện có thể mở cửa trở lại.
Bộ Giáo dục Ý thông báo đóng cửa các trường học phổ thông đến tháng 9, nhưng đang lên kế hoạch mở cửa trở lại các trường mầm non và tổ chức học hè với quy mô nhỏ để trẻ em vui chơi sau 2 tháng thực hiện lệnh cách ly nghiêm ngặt.
Việc đóng cửa các trường phổ thông đến hết niên học từng gây tranh cãi tại Ý, do nhiều ý kiến cho rằng biện pháp này gây ảnh hưởng quá nhiều đối với những phụ nữ làm công ăn lương và trẻ em.
Tuy nhiên, một phần của lý do tiếp tục đóng cửa các trường học là nguy cơ nhiễm bệnh đối với giáo viên cao tuổi. Theo thống kê, giáo viên tại Ý có tuổi trung bình cao nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, với gần 60% giáo viên trên 50 tuổi.
Dù từng là một hiện tượng lây nhiễm nhanh chóng chỉ sau Trung Quốc nhưng Hàn Quốc đã kịp thời kiểm soát các ổ dịch và đang hướng đến dỡ bỏ giãn cách xã hội, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Hàn Quốc dự tính từ ngày 6-5
Quốc gia Đông Bắc Á hiện đang trong kỳ lễ bốn ngày Phật đản và Ngày lễ lao động. Cơ quan chức năng nước này tính toán rằng nếu số lượng ca nhiễm mới sau kỳ nghỉ lễ tiếp tục duy trì ở trạng thái hiện nay, Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội vào ngày 6-5 tới. Tuy nhiên, giới chức y tế Hàn Quốc cũng cảnh báo về nguy cơ có thêm đợt lây nhiễm mới vào cuối năm nay.
Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) tính đến 16h ngày 3-5 cho thấy số ca nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc đã lên 10.793 người (tăng 13 ca, chủ yếu là “ngoại nhập”). Số ca tử vong vẫn là 250 ca, trong đó hơn 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền từ trước.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn tăng thêm 60 người, nâng tổng số bệnh nhân hồi phục lên 9.183 người, chiếm 85,1%. Số ca nhiễm bệnh từ nước ngoài nhập cảnh đã vượt 1.000 người, trong đó 91% là công dân Hàn Quốc.
Tính đến thời điểm này, Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm virus corona cho trên 600.000 người và hiện vẫn còn hơn 8.000 người đang chờ kết quả. Theo KCDC, xu hướng lây nhiễm tập thể chiếm trên 80% tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc tính đến thời điểm hiện tại và chưa có ca tử vong nào ở độ tuổi dưới 30.
Theo Hãng thông tấn Kyodo, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết chính quyền sẽ cho phép mở cửa trở lại các công viên, bảo tàng, thư viện và một số cơ sở công cộng tại thủ đô Tokyo, các TP Osaka, Kyoto, Hokkaido, Fukuoka và 8 tỉnh khác. Các cơ sở này sẽ phải tuân thủ đầy đủ những biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Chính quyền của Thủ tướng Abe Shinzo cũng sẽ ban hành nhiều chỉ dẫn về cách thức nối lại các hoạt động xã hội vào ngày 4-5 khi công bố quyết định kéo dài (có thể thêm khoảng 1 tháng) thời hạn áp đặt lệnh trình trạng khẩn cấp hiện hành sẽ kết thúc vào ngày 6-5.
Tại cuộc họp báo ngày 3-4, Bộ trưởng Nishimura cũng khẳng định chính quyền đã chuẩn bị 1.000 tỉ yen (9,3 tỉ USD) thông qua Quỹ đầu tư tiếp sức kinh tế khu vực để tài trợ cho tất cả các doanh nghiệp không thuộc thành thị đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
“Nếu cần, chúng tôi nghĩ có thể tăng số tiền lên thêm nữa” – Bộ trưởng Nishimura cam kết. Theo đó, số tiền này sẽ được dùng cho các doanh nghiệp trả lương cho nhân công không làm việc trong những ngày đất nước bị phong tỏa.
Singapore tiến tới nới lỏng
Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong cho biết nước này sắp bắt đầu nới lỏng lần lượt một số hạn chế từng được áp đặt nhằm bẻ gãy chuỗi lây lan của dịch COVID-19. Một số hoạt động như kinh doanh tại nhà, dịch vụ giặt ủi và cắt tóc sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 12-5.
Học sinh sẽ quay lại trường học theo nhóm nhỏ từ ngày 19-5. Một số cơ sở làm việc sẽ dần nối lại hoạt động tùy theo tầm quan trọng của những cơ sở này đối với nền kinh tế, chuỗi cung ứng và khả năng giảm thiểu rủi ro truyền nhiễm.
Đảo quốc 5,7 triệu dân này là một trong những nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất ở châu Á, chủ yếu do bùng phát dịch bệnh tại các khu nhà ở tập thể chật hẹp dành cho người lao động di cư.
Báo cáo của Bộ Y tế Singapore chiều 3-5 cho thấy trong ngày 2-5, nước này ghi nhận thêm 657 ca mới, đưa tổng số bệnh nhân của dịch bệnh này tại đây lên 18.205 người. Đáng chú ý là số ca tử vong ở đây vẫn giữ là 17 và số ca nguy kịch chỉ là 24.
Dân Malaysia không đồng tình
Theo báo The Straits Times, trong sáng 2-5 đã có ít nhất 340.000 người dân Malaysia ký vào kiến nghị thư trên mạng yêu cầu chính quyền không được phép nới lỏng phong tỏa từ ngày 4-5.
Vào ngày 1-5, Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã thông báo sẽ cho phép nhiều doanh nghiệp khôi phục hoạt động từ ngày 4-5, nới lỏng một phần những hạn chế được áp đặt nhằm kiềm chế dịch COVID-19. Thủ tướng Yassin nêu rõ quyết định có dựa trên khuyến cáo của Bộ Y tế Malaysia và Tổ chức Y tế thế giới.
Theo ông Yassin, một số biện pháp bao gồm đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội và duy trì vệ sinh dịch tễ vẫn được duy trì nghiêm ngặt. Các hoạt động thể thao có không quá 10 người tham gia như chạy, cầu lông và đạp xe được phép diễn ra; các hàng ăn có thể mở cửa lại nhưng phải tuân thủ giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Malaysia vẫn chưa mở cửa lại biên giới, dịch vụ du lịch nước ngoài cũng chưa được hoạt động trở lại.
Quoctichchauau.com Theo TTO