Nathan Hadlock chuyển tới Lisbon, Bồ Đào Nha với mong muốn thoát khỏi nguy cơ bạo lực súng đạn ở Mỹ, mà vẫn có thể tận hưởng nắng ấm và biển xanh như ở California.
Hadlock, doanh nhân người Mỹ 40 tuổi, cho biết Lisbon có tất cả điều kiện sống mà anh ấy muốn. Ở thủ đô Bồ Đào Nha thậm chí còn có cả một cây cầu treo giống như cầu Cổng vàng ở San Francisco.
“Hồi đó, tôi và người yêu tìm cách sống chậm, tận hưởng cuộc sống nhiều hơn. Vì vậy, chúng tôi lập danh sách 10 điểm đáng sống hàng đầu thế giới và Lisbon đứng đầu”, Hadlock kể.
Hai người lập gia đình khi chuyển tới thủ đô Bồ Đào Nha năm 2020. Thời tiết, ẩm thực, chi phí sinh hoạt rẻ, dễ dàng đi lại tới những khu vực khác ở châu Âu, là những điều Lisbon hấp dẫn họ. Hai người cũng muốn thoát khỏi những mặt tối của xã hội Mỹ.
“Một trong những lý do chính khiến các nhà đầu tư Mỹ muốn chuyển tới đây là sự an toàn của con cái. Họ thường nói ‘tôi không muốn con mình tới trường rồi bị xả súng'”, Hadlock nhấn mạnh. “Đó là vấn đề nghêm trọng ở Mỹ mà không nơi nào ở châu Âu từng trải qua”.
Jen Wittman, người chuyển từ California tới Lisbon trong thời kỳ đại dịch cùng chồng và con trai ở tuổi thiếu niên, nhận xét nước Mỹ đang có rất nhiều vấn đề. “Vụ George Floyd, đại dịch, chia rẽ chính trị, phân biệt chủng tộc… Mọi thứ đang trở nên quá mức ở Mỹ”, cô nói.
“Hệ thống y tế ở Mỹ cũng rất tệ. Thật khủng khiếp nếu bạn nghỉ hưu và sức khỏe kém. Ở Mỹ, bạn có thể bị phá sản vì bệnh tật”, người phụ nữ 47 tuổi cho hay.
Khoảng 7.000 người Mỹ đang sinh sống ở Bồ Đào Nha, ít hơn nhiều so với 42.000 người Anh đang coi đây là nhà. Nhưng trong khi dòng người Anh, cộng đồng nước ngoài lớn nhất từ Tây Âu, bắt đầu giảm thì cộng đồng người Mỹ lại tăng gấp đôi từ năm 2018.
Năm nay, người Mỹ và người Trung Quốc giữ các vị trí hàng đầu trong số các nhà đầu tư nước ngoài bị chương trình “thị thực vàng” của Bồ Đào Nha thu hút. Đây là chương trình cấp phép cư trú cho người nước ngoài mua nhà hoặc chuyển tiền sang Bồ Đào Nha. Đa số có thị thực D7 kèm điều kiện phải có thu nhập thụ động cố định từ lương hưu, tiền cho thuê nhà hoặc đầu tư.
Joana Mendoca, luật sư di trú của công ty tư vấn Giải pháp Công dân Toàn cầu, cho biết hầu như ngày nào cũng trò chuyện với khách hàng Mỹ.
“Một số người làm trong ngành kỹ thuật số và muốn làm việc từ xa”, cô nói. “Cũng có khách hàng là cả gia đình muốn con cái vào học đại học ở châu Âu. Có người đã nghỉ hưu, bán mọi thứ ở Mỹ để tận hưởng thời gian còn lại ở Bồ Đào Nha”.
Mendoca cho hay người Mỹ “có tâm lý khác” so với các nhà đầu tư nước khác, những người bị thu hút đến Bồ Đào Nha do giấy phép cư trú và chính sách miễn thuế.
“Họ thực sự muốn đến đây sinh sống và sống theo cách khác hẳn”, cô nói, dù chương trình thị thực vàng đưa ra năm 2012 đã góp phần làm tăng giá bất động sản.
Hadlock ban đầu làm việc từ xa. Bây giờ, anh làm cho một quỹ đầu tư mua đất trồng ô liu và hạnh nhân trên những ngọn đồi thoai thoải vùng Alentejo. Khu vực phía nam Lisbon khiến anh nhớ đến các thung lũng Napa và Sonoma của California.
Tại Lisbon, Hadlock thường xuyên tổ chức giao lưu để phát triển giao thương giữa California và Bồ Đào Nha. Nhóm của anh đặt tên là Cầu đỏ, xuất phát từ những cây cầu treo màu đỏ bắc qua Vịnh San Francisco và cửa sông Tagus.
Jonathan Littman, một thành viên trong nhóm, vẫn sống ở California nhưng đang học tiếng Bồ Đào Nha. Anh biết đến các công ty khởi nghiệp Bồ Đào Nha ở thung lũng Silicon khi Lisbon bắt đầu tổ chức các diễn đàn công nghệ quốc tế năm 2016.
“Chúng tôi thấy nơi này giống California của châu Âu”, ông nói. “Lướt sóng, bãi biển… Chúng tôi có thể thưởng thức rượu ngon ở đây, cũng như hải sản tươi rói và ẩm thực lành mạnh”.
Giống đồng hương, Wittman và gia đình rời Mỹ để thoát khỏi “sự chia rẽ” mà Hadlock cho rằng đang “đẩy nước Mỹ rời xa nhau”. Có điều, ban đầu họ không chọn Bồ Đào Nha.
“Ban đầu chúng tôi muốn đến Italy nhưng họ không chấp nhận”, cô nhớ lại. “Vì thế, chúng tôi tự hỏi, ‘Nước nào ở châu Âu sẽ chấp nhận người Mỹ?’ Câu trả lời là Croatia và Bồ Đào Nha”.
Cô và chồng điều hành công ty tiếp thị kỹ thuật số mà họ cùng thành lập và không có kế hoạch quay lại Mỹ.
“Ở đây rất an toàn, ai cũng hòa đồng. Chúng tôi cảm thấy an toàn khi đi bộ trên đường, an toàn vào buổi tối. Chúng tôi làm được những việc mà không bao giờ dám làm ở Mỹ vì sợ”, cô nói.
Quốc tịch châu Âu theo VNExpress