Liên minh châu Âu (EU) công bố kế hoạch tăng cường cung cấp vaccine Pfizer sau khi Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên ngừng hoàn toàn vaccine AstraZeneca.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết 50 triệu liều Pfizer ban đầu dự kiến phân phối trong quý 4 sẽ được giao sớm, từ tháng 4 đến tháng 6 tới. Nguồn cung vaccine của khu vực có thể lên tới 250 triệu liều trong quý 2.
Bà Von der Leyen cũng đàm phán thêm với Pfizer-BioNTech để mua bổ sung 1,8 tỷ liều vaccine cho năm 2022-2023. Lâu dài, EU dự kiến chuyển hẳn sang sử dụng vaccine phát triển trên công nghệ mRNA.
“Chúng ta cần tập trung vào các công nghệ đã được chứng minh hiệu quả. Vaccine mRNA là ví dụ rõ ràng”, bà phát biểu hôm 13/4.
Bà nói thêm Pfizer đang thực hiện đúng cam kết và đáp ứng nhu cầu của châu Âu. Thỏa thuận 1,8 tỷ liều là một phần trong nỗ lực lớn của EU nhằm duy trì sản xuất và phân phối vaccine trong khu vực. Châu Âu vốn là nguồn cung vaccine chính của toàn thế giới. Tháng 3, giới chức liên minh tuyên bố kiểm soát xuất khẩu do tình trạng khan hiếm.
Thông báo được EU đưa ra sau khi Johnson & Johnson (J&J) ngừng triển khai vaccine tại châu Âu vì lo ngại về các trường hợp đông máu hiếm gặp. Đan Mạch ngày 15/4 tuyên bố ngừng hoàn toàn vaccine AstraZeneca.
Soren Brostrom, giám đốc Cơ quan Y tế Đan Mạch cho biết: “Dựa trên những bằng chứng khoa học, đánh giá chung của chúng tôi là tác dụng phụ từ vaccine AstraZeneca thực sự gây rủi ro”.
Cả hai loại vaccine đều dựa trên công nghệ vector, sử dụng virus cảm lạnh vô hại, đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch.
EU ban đầu đặt cược rất nhiều vào vaccine AstraZeneca và J&J, mua hàng trăm triệu liều của cả hai hãng. Song tháng 3, AstraZeneca thông báo sẽ trì hoãn phân phối vaccine đến khu vực. Giờ đây, nỗi lo về tác dụng phụ nghiêm trọng phủ bóng lên chương trình tiêm chủng toàn khối, buộc nhà chức trách tìm kiếm lựa chọn thay thế.
Toàn EU vẫn tiêm vaccine AstraZeneca cho người cao tuổi, nhưng một số quốc gia lại có những quy định khác nhau khi sử dụng nó cho người trẻ hơn. Ngoài Đan Mạch, Na Uy dự kiến công bố có nên đình chỉ vĩnh viễn vaccine AstraZeneca hay không vào ngày 15/4.
Trong khi đó, cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu tiến hành điều tra triệu chứng đông máu ở một số ít người nhận vaccine J&J.
Dù việc mua thêm vaccine Pfizer được hoan nghênh ở châu Âu, nó làm dấy lên câu hỏi về tính công bằng của chương trình tiêm chủng toàn cầu. Nhiều chuyên gia cho rằng các nước giàu đang tước đi cơ hội được chủng ngừa của người dân quốc gia thu nhập thấp và trung bình. 1,8 tỷ liều vaccine đủ để tiêm cho mỗi người châu Âu 5 lần.
Pfizer cho biết hãng có thể sản xuất hơn 3 tỷ liều vaccine vào năm tới. Prashant Yadav, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, nhận định vaccine mRNA rất linh hoạt. Chúng là lựa chọn tốt hơn nhằm ngăn ngừa biến thể nCoV đang phát triển. Nhưng ông cảnh báo việc EU đặt cược lớn vào Pfizer cũng có thể phát sinh nhiều vấn đề.
“Nó khiến EU gặp rủi ro cao hơn trong khâu sản xuất. Điều gì sẽ xảy ra nếu cuối năm nay có vaccine mRNA thế hệ mới, hiệu quả hơn, dễ cung cấp, bảo quản ở nhiệt độ cao hơn, và có nguồn cung dồi dào hơn?”, ông nói.
Canh bạc của EU đối với vaccine mRNA cũng dễ khiến Pfizer và BioNTech đẩy giá sản phẩm lên cao. Điều này ảnh hưởng đến nước thu nhập thấp, trung bình. Tuần trước, Boyko Borisov, thủ tướng Bulgaria, cho biết Pfizer đang yêu cầu tăng giá mỗi liều vaccine từ 15,5 euro lên 19,5 euro.
Pfizer từ chối bình luận về thông tin này. Trước đó, công ty bày tỏ hy vọng sẽ kiếm được lợi nhuận lớn hơn khi đại dịch kết thúc và chi phí hàng hóa giảm xuống.
Thục Linh (Theo Financial Times)