Lễ Giáng Sinh: Nguồn gốc và ý nghĩa (Lễ Giáng Sinh vào ngày 25/12, tên gọi Christmas, Xmas hay Noel)
Nguồn gốc ngày Lễ Giáng Sinh
Trước khi Kitô giáo xuất hiện, những cộng đồng dân cư đầu tiên cũng đã tổ chức lễ hội vào mùa đông, đặc biệt vào khoảng thời gian một tuần trước ngày Đông chí và có thể kéo dài mùa lễ hội ấy trong khoảng một tháng, nhằm ăn mừng vì quãng thời gian khắc nghiệt, lạnh lẽo và tăm tối của mùa đông đã qua đi, cũng như cầu mong những điều tốt đẹp, mùa màng bội thu… sẽ đến trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, thời điểm cuối mùa đông thường là thời gian thích hợp để tổ chức lễ hội bởi vì lúc đó, hầu hết số gia súc đều đã đủ “béo tốt”, và người ta sẽ tiến hành “làm thịt” chúng. Đối với một số người, đây chính là thời điểm duy nhất trong năm họ được hưởng nguồn thịt tươi như thế. Nguồn rượu, bia được ủ trước đó thì đến thời điểm cuối mùa đông cũng đã kịp lên men và sẵn sàng để được sử dụng.
- Tại Scandinavia, từ ngày 21/12 – cũng chính là ngày Đông chí, người Norse tổ chức lễ hội Yule và họ tận hưởng thời gian lễ hội cho đến tận tháng 1. Họ thường quây quần, nhảy múa bên đống lửa trại đốt từ những các bó củi được những người cha và con trai trong mỗi gia đình nhặt về, cầu xin các vị thần phù hộ và ban cho họ có được mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi tốt béo.
- Ở Rome, người ta tổ chức ngày lễ Saturnalia để tôn vinh thần Saturn, vị thần nông nghiệp, bắt đầu từ khoảng một tuần trước ngày Đông chí (và kéo dài suốt một tháng). Thời điểm đó, các tổ chức thương buôn và trường học đều đóng cửa, mọi người đều được tận hưởng thời gian lễ hội này. Cũng vào khoảng thời gian trong ngày đông chí, người dân tại Rome cũng tổ chức lễ hội “Juvenalia” nhằm tôn vinh người con của Rome – thần Mithra.
- Với người Đức, vào thời gian này, họ tổ chức lễ hội nhằm tôn vinh thần Oden – vị thần được coi là nắm giữ vận mệnh của con người.
Kể cả khi Kitô giáo xuất hiện, thì trong thời kỳ đầu, họ vẫn chưa tổ chức lễ Giáng Sinh. Lúc bấy giờ, ngày lễ quan trọng nhất đối với cộng đồng Kitô giáo là ngày lễ Phục Sinh. Trong các văn bản Thánh Kinh cũng không đề cập rõ ràng về ngày sinh của Chúa Giêsu. Thế nhưng, có người cho rằng, dựa vào thời điểm Sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria “Ngôi Lời đã nhập thể” (được xác định vào khoảng 25/03), thì khoảng 9 tháng sau – 25/12 – được xác định là ngày Chúa ra đời.
Cho tới nay, vẫn còn những tranh cãi xoay quanh vấn đề sinh nhật của Chúa Giêsu, thế nhưng vào TK 4, Đức Giáo hoàng Julius I đã công bố chọn ngày 25/12 chính thức được coi là ngày lễ Giáng Sinh. Người ta tin rằng Giáo hội lựa chọn ngày này là nhằm giúp việc phổ biến đến tất cả cộng đồng dân chúng trở nên dễ dàng hơn, bởi trước đó phần lớn mọi người đều đã quen với việc ăn mừng hay tổ chức lễ hội vào khoảng thời gian này trong năm.
Ý nghĩa tên gọi – Christmas/ Noel/ Xmas
Ban đầu, ngày lễ này được gọi với cái tên “Feast of the Nativity” – cũng mang ý nghĩa là Lễ Giáng Sinh. Noel (phiên âm tiếng Việt: Nô-en hoặc No-en) là từ tiếng Pháp – Noël, dạng cổ hơn là Naël, có gốc từ tiếng Latinh nātālis (diēs) có nghĩa là “(ngày) sinh”, tiếng Tây Ban Nha gọi là Navidad và người Ý thì hay gọi là Natale. Cũng có ý kiến cho rằng tên gọi Noel xuất phát từ danh hiệu Emmanuel, tiếng Hebrew (tiếng Do Thái) nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (trích Phúc âm Thánh Matthêu).
Trong tiếng Anh, ngày lễ này được gọi phổ biến là Christmas. Chữ Christ là tước hiệu của Chúa Giêsu (Jesus Christ, nghĩa là Thiên Chúa Cứu Chuộc), còn chữ Mas nghĩa là Thánh lễ. Do đó Christmas theo nghĩa chiết tự là “(ngày) lễ của Đức Kitô”. Chữ Christ bắt nguồn và được viết trong tiếng Hy Lạp là Χριστός (Khristós, phiên âm Việt là “Ki-tô” hoặc “Cơ-đốc”, có nghĩa là Đấng được xức dầu), mở đầu bằng chữ cái “Χ” nên Christmas còn được viết tắt là Xmas.
Du nhập và được đón nhận trên toàn thế giới
Ngày lễ này được du nhập vào Ai Cập năm 432, và vào TK 6 thì người Anh bắt đầu tổ chức Lễ Giáng sinh. Cuối TK 8, Lễ Giáng sinh bắt đầu lan rộng đến khu vực Scandinavia (Đan Mạch, Na-uy, Thụy Điển). Ngày nay, các nhà thờ thuộc Chính thống giáo tại Hy Lạp và Nga cũng tổ chức lễ Giáng Sinh nhưng là vào khoảng 13 hoặc 14 ngày sau ngày 25/12 (do họ vẫn sử dụng bộ lịch Julian thay vì bộ lịch Gregorian mà chúng ta đang dùng).
Tại Mỹ, do một số mâu thuẫn về các vấn đề tôn giáo, chính trị, xã hội… xảy ra trong thời kỳ sơ khai đã khiến việc đón nhận và tổ chức Lễ Giáng sinh gặp khá nhiều khó khăn, thậm chí quốc gia này đã từng cấm tổ chức ngày lễ này. Cho đến năm 1828, bắt đầu từ thành phố New York, Lễ Giáng sinh bắt đầu được tổ chức trở lại từ đó dần lan rộng ra toàn nước Mỹ.
Hiện nay, ở khắp nơi trên thế giới, Lễ Giáng sinh không chỉ đơn thuần là một ngày lễ nữa mà đã trở thành một mùa lễ hội đặc biệt nhất trong năm. Dịp lễ này cũng không còn là ngày lễ riêng biệt của công đồng Kitô giáo nữa, nhưng đã đã được đón nhận và tổ chức bởi hầu khắp mọi người trên toàn cầu. Đây cũng được coi là quãng thời gian đặc biệt để mọi người dành ra khoảng thời gian cuối năm để quây quần bên người thân, bạn bè hay những người thân yêu… nhiều hơn, cùng nhau dùng bữa, cùng nhau ôn lại chuyện cũ, trao nhau những lời chúc ấm áp, tốt đẹp cùng với những món quà ý nghĩa.