Khoảng năm năm trước, tôi thực hiện chuyến công du Châu Âu để khảo sát nhiều dự án, gặp nhiều đối tác cùng một lúc. Lúc đi, tôi sử dụng passport Việt Nam, xin visa loại business công tác. Điểm đến đầu tiên của tôi là Dublin, Ireland. Chuyến bay quá cảnh ở sân bay Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ trước đến giờ, vốn dĩ tôi có gương mặt hai lúa. Người cũng nhỏ nhỏ đen đen như nông dân (mà xuất thân là hai lúa thiệt) và càng không thích ăn mặc cầu kỳ. Tôi mặc một áo thun tay ngắn, quần jean đen, giày thể thao bình thường và đeo một chiếc ba lô cũ cũ. Trong ba lô đựng vài cuốn sách và một cái laptop.
Khi chuẩn bị boarding để lên máy bay đáp Dublin, dù vé tôi đi là business class nhưng vẫn thấy không cần thiết xếp hàng bên dãy business vì chuyến bay cũng khuya, không nhiều khách xếp hàng. Kiểm soát viên lên máy bay là một cậu trẻ trẻ, khoảng 27-28 tuổi, người Trung Đông, có thể là Ấn Độ hay dân UAE. Những người đi trước cứ lần lượt qua cửa rất nhanh. Cậu này chỉ nhìn passport, xem vé, rồi khách đi qua, chưa quá 5 giây. Đến lượt tôi, tôi cứ tưởng cũng vậy. Nên vừa đưa passport và boarding pass tôi vừa chuẩn bị bước thêm một bước nữa để đi (vì cứ nghĩ bạn ấy sẽ đưa lại passport và vé liền cho mình). Nhưng bạn này lại đưa tay ra, kéo túi ba lô tôi lại với con mắt hơi bực bội, hơi nghi ngờ và liếc qua liếc lại với một thái độ khinh thường rất khó chịu. Rồi cậu này lại vô cớ hỏi tôi qua Châu Âu làm gì. Tôi lại phải mất thêm gần 5 phút diễn giải và đưa ra lộ trình công tác từng ngày của mình. Chưa xong, cậu ấy còn lại hỏi tôi làm công việc gì, tôi lại mất thêm 2-3 phút diễn giải. Sau đó, cậu ấy lật qua lật lại tất cả các trang passport của tôi, xem tất cả những visa các nước tôi đi trước đây, nhìn vào hình passport, rồi lại nhìn tôi, như kiểm tra an ninh vậy. Cuối cùng, cậu này đưa lại passport và vé cho tôi. Trong suốt gần 10 phút bị chặn lại, có lúc tôi gần như mất kiểm soát. Cái tôi, cái bản ngã trỗi dậy. Trong đầu tôi diễn ra một bối cảnh chửi lộn và mắng nhiếc cậu này như: “Mày chỉ là 1 thằng check-in vô danh tiểu tốt. Mày không xứng tầm, không xứng đáng nói chuyện với tao nữa chứ đừng nói mày có quyền gì mà dám tra khảo tao như vậy v.v.”. Rất may là bối cảnh đó chỉ mới “khởi lên”, rồi sau đó bị kiểm soát… chứ nếu không….. chắc tôi quậy ở sân bay rồi bị an ninh giữ lại điều tra và bỏ chuyến công tác luôn rồi.
Chuyện đáng buồn là đó không phải lần đầu, mà tôi đã từng bị mấy lần trước đó nữa. Nhưng lần ở Istanbul nghiêm trọng hơn. Sau này tôi cứ tự hỏi, những người khác sao không bị mà mình bị. Có thể họ da trắng. Họ đi bằng passport khác. Ngay cả những người Trung Quốc đi chung chuyến bay vẫn không bị mà sao tôi lại bị. Không lẽ passport mình “bèo nhèo” đến thế sao? Dĩ nhiên, giá trị của một con người không thể đo bằng cái passport, càng không liên quan đến xuất thân, màu da, sắc tộc hay nơi mình sinh ra. Nhưng quyền lực passport của một nước là không thể chối cãi. Ngay cả mỗi lần xin visa đi đâu cũng rất bực, cứ làm visa tới lui, rồi mỗi lần làm lại cung cấp giấy tờ tùm lum rất là phiền và mất thời gian. Đang buồn buồn, muốn đặt vé liền, 1-2 ngày sau bay qua Hàn, qua Hồng Kông thăm mấy đối tác rồi đi chơi 1-2 bữa cho xả stress mà không thể làm được. Nội cái chuyện làm visa không là hết thời gian, hết hứng rồi còn tâm trí đâu mà đi. Một passport có quyền lực không những mang lại sự tự do, tự tại, tiện ích mà còn vô tình nâng giá trị của một doanh nhân, dù rằng đó không phải là giá trị thật của một con người có giá trị.
Trần Văn Tỉnh – Nhà Sáng Lập IMM Group
Link gốc bài viết: Quyền lực của Passport, giá trị doanh nhân
Quốc Tịch Châu Âu theo IMMGroup