Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vừa tuyên bố giữ nguyên lãi suất, nhưng sẽ áp dụng nhiều biện pháp khác giúp nền kinh tế đối phó đại dịch.
ECB sẽ cấp khoản vay mới cho các ngân hàng, áp dụng lãi suất hấp dẫn hơn với một số công cụ cấp vốn hiện hành, đồng thời tăng quy mô chương trình nới lỏng định lượng (QE) thêm 120 tỷ euro (135,3 tỷ USD). Việc bổ sung QE sẽ được thực hiện đến cuối năm.
Các chính sách kích thích mới của ECB chủ yếu nhằm vào doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ – đối tượng chịu rủi ro lớn nhất từ cuộc khủng hoảng này. Lãi suất tiền gửi vẫn duy trì tại -0,5% và lãi suất tái cấp vốn là 0%.
Thị trường đã kỳ vọng ECB hạ 0,1% lãi suất tiền gửi, xuống mức -0,6%. Dù vậy, cơ quan này đã quyết định giữ nguyên. Trên thực tế, lãi suất tại châu Âu vốn đã chìm sâu trong vùng âm và gần chạm đến ngưỡng phản tác dụng – hạ thấp nữa sẽ khiến các ngân hàng lao đao.
Với việc hàng triệu người đang bị phong tỏa, thị trường tài chính chao đảo và các công ty vật lộn với chuỗi cung ứng gián đoạn, kinh tế châu Âu đang rất yếu ớt. Đầu tháng này, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết họ “đã sẵn sàng áp dụng các biện pháp phù hợp, có trọng tâm” để đối phó tác động do đại dịch gây ra. Bà cảnh báo châu Âu nguy cơ khủng hoảng kinh tế như 2008. Italy – một trong những nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro hiện có số ca nhiễm nCoV cao nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Vì vậy, việc ECB tung chính sách hỗ trợ đã được dự báo từ lâu. Vấn đề chỉ là quy mô hành động đến mức nào mà thôi. Trước đó, cả Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế đối phó dịch bệnh.
(theo Reuters, CNBC)