Trong bối cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó vì nCoV, ông Trần Tuấn Anh nhận định EVFTA càng có ý nghĩa khi mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu vào EU.
Ngày 12/2, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu phê chuẩn hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam với tỷ lệ hơn 63% phiếu thuận. Trả lời VnExpress, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, EVFTA là công cụ quan trọng, cú hích lớn cho xuất khẩu.
– Thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Trung Quốc đang khó khăn vì dịch virus corona. Thông tin về EVFTA có ý nghĩa như thế nào lúc này, thưa ông?
– Dịch Covid-19 dự kiến gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến các nền kinh tế trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Chắc chắn hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc chịu nhiều bất lợi, ít nhất trong quý I. Trong bối cảnh đó, hiệp định EVFTA được phê chuẩn sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU quy mô GDP tới 18.000 tỷ USD.
Những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ có được từ hiệp định này chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá, mở rộng hơn thị trường xuất khẩu cho hàng Việt. Điều này có ý nghĩa khi hiện chỉ 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Hoài Thu |
– Đã có những ý kiến công khai phản đối việc phê chuẩn này. Vậy chúng ta đã làm gì để đi tới được bước phê chuẩn hiệp định này?
– Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) đã bỏ phiếu thông qua với 2/3 số phiếu thuận, 1/3 không đồng ý. Trước khi cuộc bỏ phiếu này diễn ra, có ý kiến công khai phản đối việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA vì các vấn đề liên quan đến phát biển bền vững hay lo ngại về khả năng Việt Nam không thực thi đầy đủ các tiêu chuẩn cao của hiệp định, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước… Tuy vậy, chúng ta đã nỗ lực trao đổi, giải thích với phía EU về những việc đã, đang làm để chứng minh rằng Việt Nam luôn tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế.
Về lao động, Quốc hội đã phê chuẩn Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Bộ luật Lao động sửa đổi cũng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 11/2019. Đáng nói, các nội dung quan trọng nhất của 8 công ước cơ bản ILO đều đã được phản ánh trong các quy định của Bộ luật này. Kế hoạch phê chuẩn các công ước còn lại của ILO cũng được cung cấp đầy đủ cho phía EU.
Về chống đánh bắt cá bất hợp pháp và không khai báo (IUU), vừa qua ta bị EU rút thẻ vàng do còn một số vi phạm. Chúng tôi cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã tích cực làm việc, phối hợp với EU để giải quyết sớm các quan ngại của bạn.
Bên cạnh đó, chương trình hành động cụ thể của Chính phủ thực thi EVFTA đã được Bộ Công Thương dự thảo và đưa vào bộ hồ sơ trình Quốc hội. Đây là việc rất quan trọng tạo sự tin cậy từ phía EU.
– Bước tiếp theo Bộ Công thương, Chính phủ sẽ phải làm gì để hiệp định sớm có hiệu lực?
– Bộ Công Thương đã trình Chính phủ bộ hồ sơ đề nghị Quốc hội phê chuẩn hiệp định. Chính phủ sẽ trình Chủ tịch nước và Chủ tịch nước xem xét, trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 này.
Nếu Quốc hội thông qua vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 thì EVFTA sẽ có hiệu lực rất sớm, có thể ngay đầu tháng 7, sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn.
– Ngoài đem lại hiệu ứng cho xuất nhập khẩu Việt Nam, EVFTA sẽ tạo ra sự dịch chuyển ra sao tới các dòng đầu tư nước ngoài, nhất là EU vào Việt Nam?
– Hiệu ứng của hiệp định này tới xuất nhập khẩu sẽ dễ nhận biết nhất khi hơn 85% dòng thuế hàng Việt Nam sang EU về 0% khi EVFTA có hiệu lực. Con số này tăng lên 99% sau 7 năm. 1% còn lại được hai bên thống nhất giảm về 0% theo thuế suất trong hạn ngạch thuế quan.
Là hiệp định chất lượng cao, tính mở và liên kết lớn gắn với cam kết cao về mở cửa thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh, thể chế thì EVFTA sẽ là cú hích lớn cho đầu tư trong, ngoài nước. Tôi chắc rằng sẽ có làn sóng đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, công nghệ cao, dịch vụ… Công việc lúc này là cần chuẩn bị điều kiện tốt nhất, khơi thông điểm nghẽn cơ chế, hạ tầng để đón những dòng đầu tư này.
Nhân viên làm việc tại công ty dệt may – một trong số ngành được hưởng lợi khi EVFTA thực thi. Ảnh: Cao Nam |
– Một số mặt hàng xuất khẩu được hưởng lợi khi thuế về 0%, nhưng cũng không ít nhóm ngành sẽ bất lợi khi hàng hoá EU tràn vào Việt Nam cùng với việc EVFTA có hiệu lực. Bộ Công Thương có kịch bản nào ứng phó?
– Đúng vậy, ngoài các ngành hưởng lợi như dệt may, da giày, nông sản… thì các ngành hoá chất, phương tiện, thiết bị vận tải, thực phẩm chế biến… sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn khi hàng hóa, dịch vụ từ EU nhập khẩu vào Việt Nam.
Nhưng dù là ngành được dự báo sẽ hưởng lợi tối đa vẫn có thể đối mặt thách thức. Rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Điển hình như nông sản, EVFTA có ưu đãi với những quy định linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản (trái cây, thuỷ sản) vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng.
Ngoài ra, EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra nó. Ví dụ không được dùng hải sản đánh bắt bất hợp pháp; không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép.
Ở chiều ngược lại, EVFTA mang lại sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Do đó EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
– Vậy doanh nghiệp Việt cần làm gì để tận dụng cơ hội EVFTA đem lại, thưa ông?
– Doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thông tin, xây dựng kế hoạch kinh doanh trung và dài hạn.
Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn động thực vật của EU, ngoài cải thiện công nghệ, chất lượng sản phẩm, doanh nghiêp cũng cần nâng cao chất lượng nhân lực, trình độ quản lý.
– Trước đây mỗi khi FTA mới được ký kết, chúng ta thường nhắc đến năng lực cạnh tranh. Ông nhận xét gì về việc cạnh tranh của Việt Nam sau EVFTA?
– Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kính tế Thế giới (WEF) năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018, ở vị trí 67 trên 141 nước. Đây là mức điểm “nhỉnh hơn” trung bình của toàn cầu (61 điểm).
Trong số 12 nhóm tiêu chí được đánh giá trong báo cáo như thể chế, cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, ổn định kinh tế vĩ mô, y tế, kỹ năng, thị trường hàng hóa, thị trường lao động, thị trường tài chính, quy mô thị trường… ,Việt Nam có đến 8 nhóm tiêu chí được cải thiện đáng kể.
Nếu sớm được đi vào thực thi, Hiệp định EVFTA sẽ có nhiều tác động tích cực đối với Việt Nam trên mọi phương diện chính trị, an ninh quốc gia, chiến lược đối ngoại; cải cách thể chế và phát triển kinh tế. Nhờ đó, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ cải thiện tích cực.
– Nhiều hiệp định được ký nhưng hiệu quả đem lại chưa như kỳ vọng do cơ chế giám sát chưa tốt. Với EVFTA, Việt Nam có cơ chế giám sát thế nào để thực thi cao nhất?
– Theo luật, Quốc hội là cơ quan giám sát hoạt động ký kết, thực hiện điều ước quốc tế, hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên” với tất cả cơ quan của Chính phủ và địa phương. Quá trình giám sát này sẽ đánh giá kết quả thực thi, xác định các nguyên nhân, hạn chế và đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi, cũng như tận dụng tối đa ưu đãi mà các FTA này mang lại, trong đó có EVFTA.
Ngoài ra, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương sẽ có cơ chế “tự giám sát” thông qua việc ban hành kế hoạch thực thi hiệp định EVFTA với các nhiệm vụ và lộ trình hết sức cụ thể.