Giới chức châu Âu ra dự luật nhằm tăng quyền lực đối phó các đại gia công nghệ, như phạt nặng, chia nhỏ hoặc cấm nếu liên tiếp vi phạm.
Hôm 15/12, Ủy ban châu Âu (EC) công bố các dự thảo chính sách có thể buộc các đại gia công nghệ thay đổi hoạt động. Theo giới chuyên gia, đây là nỗ lực mạnh tay nhất đến nay nhằm kiềm chế các tên tuổi như Amazon, Apple, Google và Facebook.
Với dự luật có tên Digital Services Act, các trang thương mại điện tử và công ty truyền thông xã hội lớn sẽ phải gỡ bỏ nội dung độc hại và bất hợp pháp ra khỏi nền tảng. Dự luật thứ hai có tên Digital Markets Act yêu cầu các công ty tuân thủ danh sách những việc được là, và không được làm để ngăn cạnh tranh không công bằng. Ví dụ, các công ty này bị cấm dùng dữ liệu lấy từ khách hàng doanh nghiệp để cạnh tranh với họ.
Các công ty không tuân thủ dự thảo chính sách về nội dung của EU có thể bị phạt số tiền tương đương 6% doanh thu toàn cầu. Liên tiếp tái phạm sẽ bị cấm hoạt động tạm thời. Quy định phạt 10% doanh thu toàn cầu nếu vi phạm luật chống độc quyền sẽ được mở rộng ra nhiều lĩnh vực. Nếu liên tiếp vi phạm, doanh nghiệp có thể bị buộc bán mảng kinh doanh.
“Hai đề xuất trên có chung mục đích: Đảm bảo chúng ta – những người dùng – có quyền lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ trực tuyến an toàn. Còn các doanh nghiệp tại châu Âu được cạnh tranh công bằng, tự do trên Internet cũng như ngoài đời thực”, Margrethe Vestager – Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề công nghệ cho biết trong thông báo.
Các hãng công nghệ được dự báo sẽ phản ứng mạnh với đề xuất này. “Chúng tôi muốn làm việc với giới chức châu Âu để đảm bảo các đề xuất này đáp ứng mục tiêu của họ và người dân châu Âu tiếp tục hưởng lợi từ các sản phẩm, dịch vụ số”, Hiệp hội Truyền thông và Máy tính – tổ chức đại diện cho Amazon, Facebook, Twitter và Google cho biết, “Hy vọng các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ giúp EU trở thành người dẫn đầu về đột phá, chứ không chỉ là quản lý kỹ thuật số”.
Dự luật này có thể mất nhiều năm nữa mới có hiệu lực, và có thể còn điều chỉnh mạnh tay. Ngoài EU, Mỹ, Australia, Canada và Nhật Bản cũng đang siết quản lý các Big Tech.
Google và Facebook đều đã bị chính phủ Mỹ kiện về chống độc quyền. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) muốn buộc Facebook bán Instgram và WhatsApp. Trong khi đó, Anh đã cảnh báo có thể cấm các nền tảng không tuân thủ quy định mới và phạt hình sự các lãnh đạo cấp cao.
Một số hãng công nghệ Mỹ đã tỏ ra lo ngại về động thái của châu Âu. Karan Bhatia – Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ của Google cho biết: “Chúng tôi sẽ đánh giá kỹ càng các đề xuất của EC trong vài ngày tới. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại họ đang nhắm đến một vài công ty và sẽ khiến việc phát triển sản phẩm mới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tại châu Âu khó khăn hơn”.
Facebook thì cho biết họ tin tưởng đề xuất của EU “sẽ giúp bảo tồn những điều tốt đẹp của Internet”. Amazon lại khẳng định đã chi hàng triệu USD để ngăn chặn lừa đảo và hàng giả trên nền tảng của họ.
Hà Thu (theo CNN)