Tôi phải trở về Việt Nam làm việc khi con trai mới 7 tháng tuổi. Nhờ chế độ thai sản hào phóng của Na Uy, chồng tôi được hưởng chế độ nghỉ việc để chăm con trong 4 tháng, cùng tôi về nước mà vẫn nhận 100% lương.
“Congratulations, you’re about to have a jentebarn or a guttebarn!”, đó là những gì họ sẽ nói với bạn ở Na Uy nếu bạn đang mong đợi một bé trai hay bé gái sắp chào đời.
Họ cũng sẽ nói rằng “Hãy quẳng chiếc ví của bạn đi”, bởi chăm sóc trước và sau sinh tại Na Uy là hoàn toàn miễn phí, được hỗ trợ bởi hệ thống y tế công. Điều đó có nghĩa là bà mẹ tương lai phải trả chính xác 0 đồng cho các chi phí y tế, các buổi khám chữa bệnh, nằm viện… trong và sau khi mang thai của họ.
Gia đình tôi được chính phủ Na Uy thanh toán mọi chi phí trong khi tôi mang thai và sau khi sinh con. Ảnh: NVCC |
Không chỉ không phải trả bất kỳ chi phí nào liên quan, mà hơn nữa, chính phủ sẽ trả tiền vì bạn đã có con.
Mọi bà mẹ sẽ nhận được một khoản trợ cấp khoảng 6.000 USD vào tháng thứ 6 của thai kỳ để trang trải cho việc mua sắm đồ đạc chuẩn bị đón em bé chào đời. Khi em bé ở trong tháng tuổi thứ 13 đến 23, nếu chưa được gửi đi nhà trẻ, người mẹ sẽ được nhận hỗ trợ gần 1.000 USD trong tối đa 10 tháng, cho tới khi bé đi nhà trẻ.
Bên cạnh đó, mỗi tháng kể từ khi con sinh ra, chính phủ cũng sẽ trợ cấp một khoản tiền nhỏ (khoảng 150 USD) cho tới khi trẻ được 18 tuổi. Các mức hỗ trợ này được xem xét tăng lên cứ 4-5 năm một lần.
Sau khi em bé được sinh ra, toàn bộ các chi phí khám chữa bệnh, kiểm tra sức khoẻ thường niên, tiêm chủng, khám răng… đều hoàn toàn miễn phí. Thậm chí các chi phí liên quan tới đi lại và chi phí dành cho người thân (chồng) khi ở cùng cũng được bệnh viện chi trả hết. Thực tế là khi sinh con tại Na Uy, bệnh viện đã chi trả hết các chi phí đi lại và ăn ở không chỉ cho chồng mà cả mẹ của tôi trong thời gian 4 ngày tôi nằm viện.
Về quyền lợi thai sản của bố mẹ, Na Uy có một chế độ rất hào phóng. Bạn có thể lựa chọn giữa việc nghỉ 49 tuần với 100% lương hoặc 59 tuần với 80% lương mỗi tháng với điều kiện bạn đi làm và có hợp đồng lao động ít nhất 6 tháng trước khi sinh em bé.
Đặc biệt, chế độ này được áp dụng với cả cha và mẹ sau khi có sự xuất hiện của một thành viên mới chứ không chỉ riêng với mẹ như rất nhiều quốc gia khác. Điều này giải thích vì sao tôi từng nhìn thấy rất nhiều đàn ông ở Na Uy đẩy xe đẩy và đi chợ trong các siêu thị.
Do tính chất công việc và tôi phải trở về Việt Nam làm việc trong 4 tháng khi con trai mới được 7 tháng, vợ chồng tôi đã nộp đơn để hưởng chế độ “vợ đi làm, chồng nghỉ chăm con”. Chồng tôi đã được hưởng chế độ nghỉ chăm con trong 4 tháng đó, cùng tôi và con về Việt Nam mà vẫn nhận 100% lương.
Hãy thử so sánh những quyền lợi của Na Uy với một số quốc gia phát triển khác:
Ở Mỹ, chi phí sinh con cao hay thấp, nhiều hay ít phụ thuộc vào kế hoạch bảo hiểm và thậm chí cả bệnh viện. Chi phí trung bình cho một ca sinh nở và chăm sóc trẻ dao động trong khoảng 30.000 USD (sinh thường) và 50.000 USD (sinh mổ). Các công ty bảo hiểm sẽ trả phần lớn chi phí nhưng các bố mẹ cũng sẽ phải trả trung bình khoảng 3.400 USD cho mỗi lần sinh. Thời gian nghỉ sinh của Mỹ hiện nay chỉ dành cho các bà mẹ và chỉ kéo dài 6 tuần.
Ở Nhật Bản, có hai loại bảo hiểm y tế sẵn có là bảo hiểm tại công ty hoặc bảo hiểm y tế công. Cả hai loại sẽ chi trả khoảng 70% các hoá đơn y tế, với phí bảo hiểm phụ thuộc vào mức thu nhập của bạn. Tổng chi phí sinh nở có thể rơi vào khoảng từ 3.500 USD tới 5.500 USD tuỳ thuộc bạn sinh ở đâu, và hầu hết các chi phí được hoàn trả bởi bảo hiểm y tế công (NHI).
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc giảm đau lại rất phổ biến ở Nhật Bản và không được NHI chi trả. Ở đây, các bà bầu được nghỉ sinh 14 tuần với 60% lương và cả bố lẫn mẹ có thể nghỉ tổng cộng một năm không lương để chăm sóc con.
Ở Pháp, một trong những nhược điểm của y tế công là tình trạng quá đông. Tuy nhiên, nếu bạn mang thai và đã đặt trước được nơi sinh thì chi phí sẽ miễn phí. Nếu không đặt được chỗ, bạn sẽ phải tới phòng khám tư nhân và chính phủ sẽ chi trả khoảng 70% các chi phí.
Chính phủ Pháp cũng chi trả chi phí cho phụ nữ mang thai, bắt đầu từ tháng thứ 6 của thai kỳ cho tới 11 ngày sau khi sinh. Phụ nữ ở Pháp được nghỉ 16 tuần và hưởng nguyên lương với 2 đứa con đầu. Từ con thứ ba trở đi, người mẹ sẽ được nghỉ lên tới 26 tuần. Ngoài ra, nếu muốn, người mẹ cũng có thể nghỉ không lương 3 năm để chăm sóc con nhỏ.
Quyền được làm cha
Khi tôi sinh con, vì chỉ có hai vợ chồng nên mọi công việc từ thay tã, đi chợ, nấu nướng trong khoảng 4 tháng đầu đều do anh đảm nhận. Tất nhiên, trong thời gian đó chồng tôi vẫn đi làm bình thường. Điều này có vẻ lạ nếu như chúng tôi ở Việt Nam nhưng lại là hoàn toàn bình thường ở Na Uy, khi mà 90% các ông bố đều nghỉ để làm cha ít nhất trong 12 tuần.
Nhờ chính sách nghỉ làm cha, con trai tôi đã trải qua một năm đầu đời trong sự chăm sóc của cả bố và mẹ. Ảnh: NVCC |
Người Na Uy cho rằng, họ cần thời gian dành cho con cái và mặc dù công việc rất quan trọng, họ cũng không ngần ngại đảm nhận trách nhiệm với gia đình. Trách nhiệm đó với họ tương đối đơn giản, đó là chăm sóc những điều nhỏ nhặt nhất, quan tâm đến những chuyện bình thường nhất như con đã ăn chưa, có thói quen gì, quần áo của vợ cất ở đâu hay làm thế nào để vợ luôn mỉm cười.
Từ những người đàn ông làm thu ngân trong siêu thị cho tới Bộ trưởng Tư pháp, ai cũng đều sẵn sàng nghỉ để chăm sóc đứa trẻ của mình.
Cách đây hơn 30 năm, người Na Uy từng nổ ra những cuộc tranh cãi về việc đàn ông có nên ở nhà chăm sóc con hay không. Nhưng đến nay, hầu như không còn ai tranh cãi về điều đó. Tâm lý của xã hội và của mỗi người dân đều đã thực sự thay đổi.
Người Na Uy nghĩ rằng việc một người cha dành thời gian cho con cái của họ là hoàn toàn bình thường. Nếu muốn phụ nữ có quyền bình đẳng tại nơi làm việc, việc chia sẻ trách nhiệm trong gia đình là rất cần thiết.
Thực ra, sự thay đổi này ở Na Uy bắt nguồn từ một cuộc cách mạng gia đình có tên “pappapermisjon” (tạm dịch là “Giấy phép của bố”), khi chính phủ quyết định thay đổi và “nâng cấp” các điều luật liên quan tới chế độ thai sản.
Theo đó, sau khi sinh con, cả bố và mẹ đều được nghỉ 3 tuần. Sau 3 tuần, giai đoạn nghỉ thai sản mới chính thức bắt đầu. Trong giai đoạn này, đầu tiên, cả bố và mẹ mỗi người đều được nghỉ tối đa lên tới 12 tuần. Sau đó, thời gian nghỉ sẽ được chia sẻ, tức là người bố đi làm thì người mẹ nghỉ, hoặc người mẹ đi làm thì người bố nghỉ. Nếu như người mẹ phải đi làm sớm và người bố ở nhà chăm con thì người bố sẽ nghỉ và nhận 100% lương.
Bằng cách này, một em bé được sinh ra ở Na Uy sẽ có một năm đầu đời với cả bố lẫn mẹ. Nếu họ không sử dụng hết 12 tuần này, họ cũng không được phép chuyển cho người mẹ hay nhận bất kỳ hỗ trợ nào. Kết quả của cuộc cách mạng này tương đối ngoạn mục với số người nghỉ để làm cha lên tới 90%.
Có một điều thú vị là điều luật mới này được thông qua từ năm 1993 và trước đó, con số trên chỉ dừng ở mức 3%. Những nhà làm luật thời điểm đó đã nói rằng: “Chúng ta đang sống trong một xã hội mà sự phân chia vai trò rất rõ ràng: người đàn ông làm việc và những người phụ nữ thì chăm sóc gia đình. Nhưng khi phụ nữ đã bước chân vào thị trường lao động và họ cũng làm việc thì những người đàn ông cũng phải chia sẻ trách nhiệm của họ trong gia đình. Đó là sự bình đẳng”.
Cuộc cách mạng này cũng đã châm ngòi cho rất nhiều thay đổi ở các nước châu Âu sau này. Iceland, Đức và gần đây là Bồ Đào Nha đã quyết định dành một khoảng thời gian nghỉ thai sản của mẹ để chuyển cho các ông bố.
Đây cũng là một phần lý do vì sao Na Uy trong nhiều năm qua luôn nằm ở thứ hạng cao nhất trong số các quốc gia tốt nhất cho bà mẹ và trẻ em.
Theo Vnexpress: https://vnexpress.net/the-gioi/chung-toi-da-lam-cha-me-o-na-uy-nhu-the-nao-3425198.html