Hoàng Oanh là một tác giả tự do, cô sống cùng chồng ở Copenhagen, Đan Mạch. Từ ‘tâm dịch’ Âu châu, Hoàng Oanh kể cho Tuổi Trẻ Online nghe cảm xúc, cách ứng phó với COVID-19 mà vợ chồng cô cùng cộng đồng đang trải qua…
Ngày 27-2, chồng tôi về nhà thông báo Đan Mạch đã có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, là một nhà báo của kênh TV2 vừa trở về từ chuyến đi trượt tuyết cùng gia đình ở miền Bắc nước Ý.
Tôi chợt nhớ đến lời chúc của một người bạn trước khi tôi lên máy bay về lại Đan Mạch sau kỳ nghỉ tết ở Việt Nam: “Chúc bạn sống hạnh phúc ở nơi bình yên ấy nhé!”. Lúc ấy ở Việt Nam đang ghi nhận 16 ca nhiễm COVID-19 và tâm lý chung của mọi người là lo lắng, nên bạn tôi nghĩ rằng ở châu Âu hẳn là bình yên.
Nhưng kể từ giữa tháng 2 khi dịch bùng phát ở Ý, rồi lan mạnh mẽ sang Đức, Pháp, Tây Ban Nha, và giờ thì đến Đan Mạch – quốc gia nhiều năm liền được mệnh danh là hạnh phúc nhất thế giới – thì tôi (và có lẽ cả cô bạn của tôi) đã bắt đầu nghi ngờ về hai chữ “bình yên” kia rồi. Vợ chồng tôi nhìn nhau, bảo: “Mình ăn cam đi thôi!”.
Những ngày sau đó, câu đầu tiên tôi hỏi chồng vào mỗi sáng thức dậy là: “Hôm nay bao nhiêu người nhiễm COVID-19 mới vậy anh?”. Và con số ngày hôm sau luôn tăng hơn hôm trước nhiều lần, đến nay là 19 ngày kể từ hôm đó và Đan Mạch đã cập nhật 1044 ca nhiễm và 4 ca tử vong, trên tổng số dân chỉ vỏn vẹn gần 5,8 triệu người.
Ngày 11-3, Đan Mạch trở thành quốc gia thứ hai ở châu Âu (sau Ý) ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc và sau đó là đóng cửa toàn bộ biên giới. Chính phủ nhấn mạnh đây là thời điểm mọi người nên tránh xa nhau để… cứu mạng lẫn nhau, nhất là thấy người già ở đâu thì hãy “dạt” ra ở đó để tránh không lây virus cho họ, đối tượng sẽ gặp nguy hiểm nếu nhiễm bệnh.
Quả thật, vợ chồng tôi không sợ chuyện mình bị nhiễm COVID-19 bằng chuyện mình sẽ vô tình lây nó sang cho người già hay người có sẵn bệnh. Chúng tôi cũng gọi điện cho bố mẹ chồng và nói rằng sẽ không đến thăm họ cho đến khi nào hết dịch.
Chồng tôi đang bị sốt 38 độ hai hôm nay nhưng bác sĩ gia đình bảo cứ ở nhà theo dõi, nhớ lại chỗ chung cư mình ở Copenhagen có khá đông các cụ sống một mình, vợ chồng tôi bảo nhau: “Mình về nông thôn đi thôi!”.
Vợ chồng tôi dọn về ngôi nhà mùa hè để trống của mẹ chồng (sommerhus là một kiểu nhà dành riêng cho việc nghỉ dưỡng vào mùa hè, rất phổ biến ở các nước Bắc Âu). Nhà đối diện biển, xung quanh là cánh đồng và rừng cây, nhà này cách nhà kia khoảng cách rất xa.
Chúng tôi thấy yên tâm hơn khi tự cách ly ở đây, ít ra là sẽ hạn chế rất nhiều việc tiếp xúc với người già trong chung cư. Rất may là những triệu chứng của chồng tôi giống như là cảm lạnh hơn là cảm cô Vy, và anh cũng đã hết sốt.
Nhưng ai mà biết được khi nào thì đến lượt mình chứ, vậy nên chúng tôi quyết định cứ ở vùng quê này cho đến khi mọi chuyện ổn hơn. Tôi vốn thích cuộc sống ở quê hơn thành phố nên thấy không vấn đề gì cả. Mỗi khi nắng lên, vợ chồng tôi lại bảo nhau: “Mình đi bộ ra cánh đồng nào!”.
Những ngày phong tỏa, cuộc sống trôi qua rất chậm mà cũng rất nhanh. Chậm là vì hai vợ chồng… ở nhà với nhau 24/24, nhìn nhau cả ngày, cũng hơi ngán thật!
Bình thường chồng tôi đi làm từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, tối về vợ chồng ăn cơm cùng nhau kể chuyện vui buồn trong ngày. Giờ thì chẳng có mấy chuyện để kể nữa ngoài chuyện xem tin tức về “cô Vy”, nên có khi chúng tôi tranh luận chuyện liệu… con mèo nhà hàng xóm đang mang thai hay chỉ là đang béo mà thôi!
Còn nhanh là vì nó có cảm giác mơ hồ như là một kỳ nghỉ, khi mà ta dường như quên mất những khái niệm về thời gian. Hôm nay là thứ mấy nhỉ? Có phải chúng ta đã ở đây được một tuần rồi không? Vợ chồng tôi bảo nhau: “Chúng ta nhất định không ly dị vì chuyện này đấy nhé, vô duyên cực!”.
Trong hành lý mang về quê, tôi có đóng theo chai nước mắm, hũ dầu hào, muối tôm, bánh tráng, bánh phở, bún khô… Tôi cũng mang theo cái nồi chiên không dầu mà gia đình mình không thể sống thiếu.
Chúng tôi không hoảng loạn mua sắm vì tin vào lời cam kết của chính phủ sẽ không thiếu bánh mì và giấy vệ sinh. Mỗi lần đi mua thực phẩm, tôi chỉ mua đủ dùng để người khác cần còn mua được.
Tôi nấu ăn nhiều gấp ba lần ngày thường, từ những món Việt mà tôi yêu thích như gà kho sả, cơm chiên, bánh cuốn, chả giò, chè đậu xanh nhãn nhục, cho đến những món Tây mà chồng tôi thích như mì ống, khoai tây nghiền, pizza, bánh mì nướng phô mai…
Chuyện này khiến chồng tôi phải rửa chén gấp ba lần ngày thường, nhưng anh vẫn vui vẻ làm vì được ăn ngon, đủ chất tăng sức đề kháng, và quan trọng nhất theo anh là: “Vợ tập trung nấu nướng thì sẽ bớt rảnh để… gây chuyện!”.
Trong thời gian cách ly, chồng tôi vẫn làm việc tại nhà như một nhân viên mẫn cán từ 8h sáng đến 4h chiều, chỉ khác là anh có thể làm việc trong bộ đồ ngủ và quả đầu xù bông. Còn tôi ngoài nấu nướng ra thì dành thời gian học tiếng Đan Mạch, đọc sách, viết lách, thiền, tập thể dục.
Tôi cũng bắt đầu học đan len từ… chồng (ở Đan Mạch đàn ông biết đan len là chuyện thường), với mục tiêu qua dịch COVID-19 sẽ đan được một đôi tất. Xem tin tức thấy chính phủ bảo chắc chắn sẽ có những người mất việc làm, tôi hỏi chồng công việc kiến trúc sư của anh ổn không đấy.
Ảnh cười chọc tôi: “Em chuẩn bị bộ răng hàm cho chắc vào, mai mốt có gì mình… cạp đất mà ăn!”.
Những ngày này quả thật kỳ lạ, những ngày đầy sợ hãi nhưng cũng là những ngày đầy yêu thương. Thú thật, tôi có lo lắng cho sức khỏe của mình và những người tôi yêu quý. Tôi đau lòng khi nhìn thấy số người nhiễm và người chết tăng vùn vụt mỗi ngày.
Trái tim tôi tan vỡ khi châu Âu bình yên bỗng một ngày trở thành ổ dịch COVID-19 kinh hoàng khiến người ta tháo chạy thoát thân. Nhưng vượt lên trên tất cả những nỗi sợ đó, tôi vẫn cảm nhận được những nguồn sáng tích cực và tử tế.
Đã có hơn 10.000 người đăng ký tình nguyện giúp dọn dẹp, khử trùng, chuyên chở bệnh nhân. Mọi người bảo nhau giờ mỗi lần vào siêu thị nên nở nụ cười với nhân viên ở đó.
Ta ngưng một nhịp, sống chậm lại, nhìn tỏ lòng nhau, giúp nhau qua cơn hoạn nạn. Và bầu trời, khi tất cả chúng ta đang ngưng một nhịp, cũng đang trong xanh hơn. Mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi…