Mẫu răng hóa thạch tìm thấy ở một hang động miền nam Trung Quốc cho thấy người cổ từ châu Phi di cư sang châu Á sớm hơn hàng chục nghìn năm so với châu Âu.
Theo Live Science, hóa thạch tìm thấy trong hang động Fuyan, tỉnh Hồ Nam có niên đại khoảng 80.000 – 120.000 năm, là bằng chứng về người hiện đại lâu đời nhất được tìm thấy ngoài châu Phi.
“Cho đến nay, phần lớn giới khoa học tưởng rằng, người Homo sapiens không hiện diện ở châu Á cho đến thời điểm 50.000 năm trước”, Wu Liu, nhà nhân chủng học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc và là tác giả nghiên cứu, cho biết.
47 hóa thạch răng người được tìm thấy ở Fuyan từ năm 2011 đến 2013, cùng nhiều xương cốt của con người và động vật như gấu trúc, lợn. Các nhà khoa học hôm nay công bố phát hiện này trên tạp chí Nature.
Loài người hiện đại xuất hiện đầu tiên ở Đông Phi khoảng 200.000 năm trước, sau đó di cư đến những châu lục khác, tuy nhiên, giới khoa học vẫn chưa rõ thời gian và địa điểm di cư.
“Phát hiện này, cùng với những kết quả nghiên cứu khác, cho thấy miền nam Trung Quốc có thể là khu vực trung tâm của sự xuất hiện và tiến hóa của người hiện đại ở Đông Á”, Wu Liu cho biết.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, phát hiện này có thể làm sáng tỏ tại sao người hiện đại di cư khá muộn sang châu Âu. Không có bằng chứng cho thấy người hiện đại có mặt ở châu Âu từ 45.000 năm trước, trong khi đó, họ có mặt ở miền nam Trung Quốc ít nhất từ 80.000 năm trước. Rất có thể, người Neanderthals đã ngăn cản người hiện đại vào châu Âu.
“Có lẽ châu Âu lúc đó quá nhỏ bé để hai loài có trí thông minh và tập quán phức tạp cùng sinh sống”, María Martinón-Torres, đồng tác giả nghiên cứu, đại học Colleage London cho biết. Sau này, khi người Neanderthal dần biến mất vì sống cô lập hàng nghìn năm và phải trải qua những mùa đông giá rét khắc nghiệt, người Homo sapiens mới đặt được chân vào châu Âu.