Người dân bắt đầu ra ngoài, nhiều doanh nghiệp mở cửa lại khi các nước nới phong tỏa, dù biện pháp phòng dịch vẫn được duy trì.
Ông Domenico di Massa chơi đùa với cháu gái Cecilia hôm 4/5, ở thủ đô Rome, Italy, sau hai tháng không gặp nhau. Italy từ tuần này bắt đầu nới lệnh phong tỏa được áp đặt từ hồi tháng ba.
Người dân Italy được phép đi lại trong vùng để thăm người thân nhưng phải đeo khẩu trang, còn trường học, tiệm làm đầu, phòng thể dục và nhiều hoạt động kinh doanh khác vẫn phải đóng cửa. Quán cà phê và nhà hàng chỉ bán đồ mang đi, việc đi lại giữa các vùng bị cấm, trừ đi làm, khám chữa bệnh hoặc tình huống khẩn cấp.
Một đám tang diễn ra ở thành phố Catania, Italy, khi hạn chế về tang lễ cũng được nới lỏng, với tối đa 15 người được phép tham dự lễ viếng. Tuy nhiên, các hoạt động tôn giáo và đám cưới vẫn chưa được khôi phục.
Italy là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, với số ca nhiễm và tử vong lần lượt hơn 200.000 và hơn 29.000.
George Chrisohoidis làm tóc cho một khách hàng tại salon của anh ở Thessaloniki, Hy Lạp, vào ngày đầu nước này nới phong tỏa toàn quốc.
Sáng qua, người Hy Lạp không còn bị hạn chế ra khỏi nhà, không cần gửi tin nhắn hay mang theo giấy xin phép tự viết tay để trình bày lý do khi ra ngoài. Các hiệu làm tóc và một số mặt hàng, văn phòng phẩm đã được mở cửa. Tuy nhiên, nhân viên của các cơ sở này bắt buộc phải đeo khẩu trang và đảm bảo khoảng cách. Học sinh năm cuối trung học sẽ quay lại trường vào tuần sau.
Nhờ áp lệnh phong tỏa sớm, Hy Lạp chỉ ghi nhận hơn 2.500 ca nhiễm nCoV, trong đó gần 150 ca tử vong.
Tại Madrid, Tây Ban Nha, bác sĩ da liễu Marta Maria Moratinos mặc đồ bảo hộ khi cô khám da cho một bệnh nhân tại phòng khám vừa mở cửa lại. “Tôi rất biết ơn khi được phép mở cửa lại. Tôi đã phải nộp đơn đề xuất một khoản vay cá nhân để cứu doanh nghiệp”, cô nói. Tây Ban Nha báo cáo tổng số ca tử vong do nCoV là gần 25.500, xếp thứ 4 thế giới, còn số ca nhiễm là gần 250.000.
Olga Prades, chủ tiệm váy cưới Innovias ở Madrid, giúp một cô dâu thử đồ. Cả hai đều đeo khẩu trang và găng tay để tránh nguy cơ lây nhiễm nCoV. Cửa hàng Innovias cũng nằm trong số những doanh nghiệp nhỏ được phép hoạt động lại. “Đây là một trải nghiệm rất căng thẳng. Đám cưới của tôi dự kiến diễn ra vào tháng 7 và tôi hy vọng sẽ không phải hoãn kế hoạch, nhưng vào lúc này, chúng tôi cũng không dám chắc 100% chuyện gì sẽ xảy ra”, cô dâu nói.
Cảnh sát nhắc nhở một phụ nữ ở ga Cais do Sodre, thủ đô Lisbon, đeo khẩu trang khi Bồ Đào Nha nới phong tỏa cùng ngày.
Nước này ban bố tình trạng khẩn cấp hôm 18/3, khi ghi nhận 642 ca nhiễm nCoV và 2 ca tử vong. Tuy nhiên từ trước đó, nhiều nhà hàng Bồ Đào Nha đã tự nguyện đóng cửa, còn người dân chọn ở nhà. Sau gần hai tháng, số ca nhiễm tại nước này là 25.000, với hơn 1.000 ca tử vong, thấp hơn rất nhiều so với các láng giềng châu Âu.
Henri de Chassey, người Pháp, hôn bạn gái khi cô chuẩn bị đi tàu cao tốc quay lại Paris sau hai tháng ở Brussels, Bỉ. Hoạt động sản xuất công nghiệp ở Bỉ được phép nối lại từ hôm qua và mọi công dân từ 12 tuổi trở lên phải đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện công cộng.
Người dân cũng được gặp gỡ 2 người ngoài gia đình nhưng phải giữ khoảng cách. Bỉ ghi nhận hơn 50.000 ca nhiễm, trong đó gần 8.000 ca tử vong.
Một nhà hàng lẩu ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, đặt các tấm chắn bằng nhựa để phòng ngừa lây nhiễm cho khách hàng, hôm 4/5. Thái Lan bắt đầu nới lỏng các hạn chế từ hôm 3/5, cho phép các nhà hàng, tiệm làm tóc được mở cửa lại.
Các vũ công biểu diễn tại Đền thờ Erawan, Bangkok, cũng phải đeo tấm chắn nhựa để đảm bảo an toàn.
Chính phủ Thái Lan sẽ đánh giá tình hình dịch bệnh sau mỗi hai tuần để quyết định xem có tiếp tục nới lỏng phong tỏa, hay tái áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt.
Cảnh sát Nigeria hướng dẫn đám đông tại ngân hàng Bảo Tín ở thủ đô Abuja, vào ngày đầu nới phong tỏa.
Người dân Nigeria đã lần đầu quay lại làm việc sau hơn 30 ngày ở nhà để kiềm chế nCoV lây lan. Các cửa hàng, văn phòng, chợ búa, được mở cửa theo những ngày và khung giờ nhất định. Toàn dân phải đeo khẩu trang khi di chuyển nơi công cộng. Tuy nhiên, các trường học, quán bar, rạp phim vẫn đóng cửa.
Một người đàn ông đeo khẩu trang và găng tay tập luyện tại phòng gym Epicentrum, một trong cơ sở được tái mở cửa tại thủ đô Belgrade, Serbia, từ tuần này.
Quốc gia vùng Balkan sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp được áp đặt từ giữa tháng ba, cho phép nối lại dịch vụ xe buýt, đường sắt, các chuyến bay thương mại, quán cafe, nhà hàng…
Serbia ghi nhận gần 9.500 ca nhiễm, hơn 190 người chết.
Người dân địa phương tại một trung tâm thương mại ở Soweto, Nam Phi, hôm qua. Nước này nới lỏng một số biện pháp ngăn chặn Covid-19 từ 1/5, dù những ngày qua ghi nhận mức tăng kỷ lục hơn 400 ca nhiễm mới.
Hơn một triệu lao động đã quay lại làm việc. Người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Nam Phi báo cáo tổng cộng hơn 7.000 ca nhiễm nCoV, gần 140 ca tử vong.
Nguồn tin theo VNE – Ảnh: Reuters