Khác với ám ảnh thất nghiệp sau khủng hoảng tài chính, người lao động hậu Covid-19 có nhiều chỗ làm chờ đón và quyền thương lượng lớn hơn.
Người lao động trên khắp thế giới đã phải trải qua thời kỳ khó khăn khi các nền kinh tế đình trệ vì đại dịch năm 2020 và 2021. Trong năm đầu Covid-19 xuất hiện, số giờ làm việc trên toàn cầu đã giảm 9%. Ở một số quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh đến mức làm sụp đổ cả hệ thống an sinh xã hội.
Người lao động có mức lương thấp hoặc trình độ thấp phải chịu nhiều tác động hơn. Một số nhà phân tích lo ngại rằng đại dịch sẽ mở ra một kỷ nguyên khắc nghiệt. Trong đó, nhóm lao động này sẽ phải vật lộn tìm việc hoặc chứng kiến công việc của họ được thực hiện bởi robot.
Tuy nhiên, có nhiều lý do để không bi quan như vậy. Thị trường lao động ở các nước tiên tiến phục hồi tốt hơn mong đợi. Giữa năm ngoái, OECD tính toán rằng, nếu làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ hai, tỷ lệ thất nghiệp ở các quốc gia thành viên sẽ vào khoảng 9% cuối năm 2021.
Trên thực tế, nhiều quốc gia đã chứng kiến ba hoặc thậm chí bốn đợt bùng phát. Tuy nhiên, số liệu thất nghiệp vẫn tốt hơn so với dự kiến, với hiện tại khoảng 6%. Ngay cả các quốc gia không được xem là phục hồi kinh tế nhanh chóng, như các nước trong khu vực đồng euro, thì thị trường lao động cũng hồi sinh khá nhanh.
Vào tháng 9/2021, tỷ lệ thất nghiệp (đã điều chỉnh theo mùa) của khu vực đồng euro là 7,4%, giảm từ 7,5% hồi tháng 8 và 8,6% tháng 9/2020. Tỷ lệ thất nghiệp của toàn EU vào tháng 9/2021 là 6,7%, giảm so với 6,9% vào tháng 8 và 7,7% vào tháng 9/2020. Những con số này được công bố bởi Eurostat – văn phòng thống kê của Liên minh Châu Âu.
Ở Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,6% tháng trước, với 19 bang thấp hơn trung bình toàn quốc.
Triển vọng việc làm cho người lao động toàn cầu năm sau có thể còn sẽ tốt hơn mong đợi, nhờ 3 yếu tố chính mà The Economist chỉ ra. Yếu tố đầu tiên liên quan đến làm việc tại nhà. Các ước tính cho thấy mọi người sẽ dành thời gian làm việc ở ngoài văn phòng nhiều gấp 5 lần so với tiền đại dịch. Xu hướng này làm tăng cả hạnh phúc và năng suất.
Yếu tố thứ hai liên quan đến tự động hóa. Nhiều nhà kinh tế giả định rằng đại dịch sẽ mở đường cho sự gia tăng của robot, khi máy móc hỗ trợ AI sẽ đảm nhận nhiều công việc hiện tại. Điều này chắc chắn đúng vì các đại dịch trong quá khứ cũng đã khuyến khích tự động hóa, một phần vì robot không bị bệnh.
Nhưng cho đến nay, theo phân tích của The Economist, có rất ít bằng chứng về việc tự động hóa đang diễn ra diện rộng. Các công việc được cho là dễ bị ảnh hưởng bởi cơ giới hóa vẫn đang phát triển nhanh chóng như các loại hình khác.
Yếu tố thứ ba liên quan đến chính sách. Trong bối cảnh đại dịch, các chính trị gia và lãnh đạo ngân hàng trung ương quan tâm đến việc giảm tỷ lệ thất nghiệp hơn là theo đuổi các mục tiêu khác, chẳng hạn như giảm lạm phát hoặc nợ công.
Đây là cách tiếp cận khác với các cuộc khủng hoảng trước, khi hầu hết quốc gia nhanh chóng thắt lưng buộc bụng. Lần này, các quốc gia đang cam kết các nguồn lực chưa từng có để phục hồi kinh tế trong 5-10 năm tới.
Ví dụ, Mỹ đã cam kết chi tiêu hàng nghìn tỷ USD. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell thậm chí còn hứa sẽ ổn định chính sách tiền tệ cho đến khi việc làm tăng lên đáng kể. Trong khi đó, Liên minh châu Âu lần đầu tiên thay mặt các nước thành viên đi vay để hỗ trợ các kế hoạch phục hồi. Điều đó cho thấy các chính trị gia khu vực đồng euro cũng ít bị ám ảnh bởi việc phải thắt lưng buộc bụng như trước đây. Họ tin rằng, đầu tư vào năng suất và công việc sẽ giúp mọi người quay trở lại làm việc.
Kết quả là người lao động sẽ có nhiều khả năng thương lượng hơn. Ở Mỹ, số lượng người bỏ việc hàng tháng đang gần mức kỷ lục. Theo khảo sát Bộ Lao động nước này công bố cuối tuần trước, tại hơn một nửa các bang của Mỹ, tỷ lệ người bỏ việc tăng nhanh trong tháng 9.
Tỷ lệ bỏ việc tăng cao nhất ở Hawaii, Montana và Nevada, lần lượt là 7,1%, 4,8% và 4,5%. Tổng cộng, 34 bang có tỷ lệ bỏ việc cao hơn toàn quốc là 3%. Bloomberg cho hay, các doanh nghiệp đã tuyệt vọng tăng lương với tốc độ kỷ lục, đồng thời cung cấp một loạt các đặc quyền khác như giờ làm việc linh hoạt và thưởng tiền mặt để thu hút và giữ chân người lao động. Tuy nhiên, những đặc quyền đó, cùng thị trường lao động eo hẹp đã khiến tình trạng còn hỗn loạn hơn nữa. Trên toàn quốc, 4,4 triệu người Mỹ đã bỏ việc trong tháng 9.
Economist nhận định, các nhà tuyển dụng đưa ra mức lương thấp hoặc điều kiện kém đang gặp khó khăn trong việc tuyển nhân sự. Hiện có khoảng 30 triệu vị trí vẫn còn đang tìm người ở các nước phát triển. Đây là con số kỷ lục. Trên thực tế, việc người lao động có quá nhiều quyền lực có thể gây ra lạm phát (do họ đòi hỏi lương cao hơn liên tục).
Theo The Economist, OECD