Tân Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho rằng Việt Nam đang xuất khẩu hàng hóa rất tốt vào EU nên không cần lo lắng khi gia nhập EVFTA.
“Tôi không lo ngại về năng lực của Việt Nam trong xuất khẩu ra toàn cầu. Việt Nam đang xuất khẩu tốt vào EU. Trong vòng 10 năm nữa, chúng ta sẽ thấy một Việt Nam rất khác, về năng lực cạnh tranh”, tân Đại sứ Giorgio Aliberti chia sẻ với báo chí vào chiều 19/11 tại TP HCM.
Trước đó, có những lo ngại rằng, khi 99% dòng thuế được dỡ bỏ theo lộ trình của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), hàng hóa Việt Nam sẽ khó lòng cạnh tranh với hàng hoá EU và sẽ bị nhập siêu từ thị trường này. “Nói cần làm gì tốt hơn thì thực tế Việt Nam đang xuất siêu vào EU nên các bạn biết cách nào để làm tốt chứ không phải là không”, ông nói.
Chín tháng đầu năm, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào 28 nước Liên minh châu Âu (EU) là 30,89 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ 2018. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này là 10,84 tỷ USD, tăng 8,6%.
Tân Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti trong buổi chia sẻ chiều ngày 19/11. Ảnh: Viễn Thông |
Ông Aliberti chính thức bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam từ hôm 16/10, trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đang chờ Nghị viện châu Âu thông qua, còn Hiệp định bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA) cần nghị viện các nước thành viên EU phê chuẩn.
Trong EVFTA, những điều khoản về bảo hộ quy định cụ thể các lĩnh vực Việt Nam dễ bị tổn thương sẽ có độ trễ trong việc mở cửa thị trường so với EU. Ví dụ, 99% dòng thuế được tự do hóa nhưng có lộ trình khác nhau giữa EU và Việt Nam. Trong đó, EU có 7 năm để mở cửa hoàn toàn nhưng Việt Nam được cho phép đến 10 năm. “Như vậy, Việt Nam có thêm thời gian để nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa của mình”, tân Đại sứ nói.
Ông Aliberti khuyến nghị Việt Nam nên tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực và tìm kiếm cơ hội một cách tích cực. Hàng nông sản, vốn là thế mạnh của Việt Nam, nên hướng đến hữu cơ, bền vững, tránh dùng chất cấm.
“Việt Nam có sản phẩm thế mạnh là cà phê và rất cần cải thiện thêm chất lượng. Do đó, hãy tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu về cà phê và tạo ra những sản phẩm tốt hơn nữa khi xuất khẩu vào EU”, ông nói.
Ở chiều ngược lại, EU đang quan tâm đến xuất khẩu các sản phẩm máy móc, ôtô, dược phẩm vào Việt Nam. Ở lĩnh vực dịch vụ, ngân hàng và bảo hiểm được đánh giá là nhiều tiềm năng. Tân đại sứ EU phân tích, Việt Nam đang bùng nổ về kinh tế. Trong tương lai, những sản phẩm công nghệ sẽ rất cần thiết cho sự phát triển tại đây. Những người có mức thu nhập trung bình khá đang gia tăng, với quy mô từ 12 triệu người có thể gia tăng lên 35-40 triệu người trong tương lai.
“Đây là lượng khách hàng tiềm năng cho phát triển lĩnh vực dịch vụ của EU. Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam tạo ra môi trường thuận lợi cho việc đầu tư của các doanh nghiệp EU. Đó chính là một môi trường bình đẳng, không phân biệt đối xử, không có sự bảo hộ”, ông chia sẻ.
Không chỉ giao thương và đầu tư đơn thuần, quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam trong thời gian tới có nhiều triển vọng trong lĩnh vực kinh tế xanh và kinh tế số.
Việt Nam đã đưa ra những cam kết tại COP21 Paris về giảm phát thải khí CO2 mức 8% trong giai đoạn tới 2030 và 25% nếu có sự giúp đỡ của quốc tế. Do đó, phát triển kinh tế xanh, với việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và sạch hơn, được ông Aliberti đánh giá là nội dung hợp tác rất quan trọng.
“Chúng ta đã và đang sử dụng năng lượng than. Đó là nguồn năng lượng không sạch. Người dân toàn cầu đang kêu gọi việc chuyển đổi sử dụng nguồn năng lượng sạch hơn, thay cho than. Đây là nội dung rất quan trọng mà chúng tôi muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.
Chúng tôi có những khoản viện trợ không hoàn lại để Việt Nam cải thiện lĩnh vực này. Năm 2018, chúng tôi đã có một khoản viện trợ lớn. Năm 2019 và những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, tập trung hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo và cách sử dụng năng lượng, tức năng lượng sạch hơn và dùng ít năng lượng hơn”, ông cho biết đã thiết lập các kênh đối thoại chính sách với Việt Nam để có được những thúc đẩy về chính sách, giúp đạt được cam kết của COP21.
Về kinh tế số, ông Aliberti cho rằng, EU có nhiều kinh nghiệm để hợp tác, giúp Việt Nam tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế số. “Hãy nhìn vào tương lai, với trí tuệ nhân tạo, công nghiệp 4.0… có thể giúp tạo ra môi trường thuận lợi như thế nào để người dân, doanh nghiệp sáng tạo, đưa ra phát kiến mới. Chúng tôi cũng có những công nghệ hiện đại, tiên tiến, có thể chia sẻ, chuyển giao kinh nghiệm, kiến thức”, ông cho biết.
Tất nhiên, phát triển kinh tế số tại bất kỳ đâu cũng đi cùng thách thức và không thể có những giải pháp đơn nhất, phù hợp cho tất cả. Tại Mỹ, Thung lũng Silicon là nơi có môi trường thuận lợi để phát triển công nghệ. Các nước thành viên EU cũng tương tự, hình thành những môi trường để tạo ra những thay đổi về nhận thức, tư duy, thúc đẩy quá trình khởi nghiệp sáng tạo.
“Sẽ có những thách thức, như vấn đề kiểm soát thuế chẳng hạn. Nhưng nó là một vấn đề trong tổ hợp nhiều vấn đề đan cài với nhau, không thể xử lý riêng rẽ. Do đó, muốn hướng đến thành công thì phải xử lý đồng thời được nhiều thách thức.
Vấn đề quan trọng là tạo ra được môi trường thuận lợi để sáng tạo. Những ý tưởng sáng tạo không thể đi mua mà phải từ những môi trường thúc đẩy người trẻ muốn phát huy tài năng. Tôi thấy Việt Nam có nhiều người trẻ đam mê công nghệ. Hãy tạo ra những cơ chế chính sách để thúc đẩy nguyện vọng của họ và giải quyết những vấn đề đang tồn đọng”, ông khuyến nghị.
Theo Viễn Thông Vnexpress