Ngày 3-2, WHO cho biết hai năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, châu Âu có thể sớm bước vào “giai đoạn bình yên kéo dài” nhờ tỉ lệ tiêm chủng cao, biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn và đã vào cuối đông.
“Giai đoạn được bảo vệ cao hơn này nên được coi như một lệnh ngừng bắn mang lại cho chúng ta sự bình yên kéo dài”, ông Hans Kluge – giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu – nhận định.
Ông Kluge cũng cho rằng châu Âu sẽ ở vị thế tốt hơn vì có miễn dịch nhờ vắc xin COVID-19 hay từng là F0 để ứng phó với nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch COVID-19 mới, “thậm chí với một biến thể có khả năng lây nhiễm nhanh hơn” biến thể Omicron.
“Tôi tin châu Âu có thể ứng phó với các biến thể mới chắc chắn sẽ xuất hiện mà không cần tái áp đặt các biện pháp gây xáo trộn cuộc sống mà chúng ta từng cần đến trước đây”, ông Kluge nói.
Ông Kluge nhấn mạnh điều này “không có nghĩa là đại dịch hiện nay đã kết thúc”, nhưng “có cơ hội để kiểm soát sự lây nhiễm”.
Giám đốc WHO khu vực châu Âu lưu ý viễn cảnh lạc quan này sẽ chỉ đúng nếu các quốc gia tiếp tục các chiến dịch tiêm chủng và tăng cường giám sát để phát hiện các biến thể mới.
Ngoài ra, theo Hãng tin AFP, ông Kluge cũng kêu gọi các cơ quan y tế bảo vệ các nhóm có nguy cơ cao và đề cao trách nhiệm cá nhân trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Biến thể Omicron đã trở thành biến thể thống trị và làm số ca bệnh tăng vọt ở nhiều nước châu Âu. Theo WHO, châu Âu đã ghi nhận khoảng 12 triệu ca mắc mới trong tuần trước, mức tăng cao nhất kể từ đầu dịch.
Tuy nhiên, châu Âu cũng ghi nhận tỉ lệ nhập viện vì COVID-19 thấp hơn các đợt bùng dịch trước đây. Điều này cho phép nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm Pháp, Ireland và Vương quốc Anh, thông báo dỡ bỏ hoặc giảm đáng kể các biện pháp phòng dịch dù số ca nhiễm vẫn ở mức cao.
Theo Báo Tuổi Trẻ