Tốc độ tiêm chủng Covid-19 tại Mỹ đang ngày càng được đẩy nhanh, trong khi châu Âu lại gặp đầy những vấp váp, khiến người dân không khỏi chán nản.
Một năm qua, chiến lược chống Covid-19 của Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, không khiến người dân châu Âu phải cảm thấy ghen tỵ hay ngưỡng mộ. Nhưng điều này bắt đầu thay đổi. Hôm 11/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ đạo các bang đến ngày 1/5 phải cung cấp đủ vaccine cho tất cả người trưởng thành, thắp lên tia sáng hy vọng trái ngược với tình hình u ám ở bên kia bờ Đại Tây Dương.
Trong khi chính quyền Biden hướng tới mục tiêu cho phép người Mỹ tổ chức các lễ kỷ niệm nhỏ vào ngày Quốc khánh 4/7, người châu Âu lại đang loay hoay với quyết định có tiếp tục tiêm vaccine AstraZeneca hay không.
Ít nhất 9 nước EU đã tuyên bố ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca vì lo ngại về nguy cơ chúng tạo ra những cục máu đông, gây tử vong cho người được tiêm, bất chấp việc Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu tuyên bố chưa tìm thấy bằng chứng vaccine không an toàn.
Trong khi đó, số ca nhiễm gia tăng trở lại khiến Italy phải tái áp đặt lệnh phong tỏa và giới chức y tế Đức cảnh báo nước này sắp chứng kiến sóng Covid-19 thứ ba.
Tại Pháp, nơi mới chỉ có 6,4% dân số được tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên, các chuyên gia phải thừa nhận Mỹ đã vượt xa họ. “Chúng tôi đã cảm nhận được toàn bộ sức mạnh của nước Mỹ trong chiến dịch tiêm chủng này”, một nhà bình luận nói với kênh truyền hình Pháp RTL.
Như các nước châu Âu khác, chương trình tiêm chủng của Pháp đang chậm trễ nghiêm trọng do nguồn cung không đảm bảo cùng hàng loạt thách thức hậu cần khác. Người dân Pháp cũng có mức độ hoài nghi cao về vaccine, một rào cản không nhỏ.
Giữa bối cảnh đó, tâm lý giận dữ đang bùng lên khắp châu lục trước thực tế là Liên minh châu Âu (EU) đã chấp thuận xuất khẩu hàng triệu liều vaccine sang các nước khác, bao gồm cả Mỹ, Mexico và Canada, trong khi chính quyền Biden chặn xuất khẩu vaccine sang những quốc gia láng giềng và EU.
Sueddeutsche Zeitung, một trong những tờ báo lớn nhất Đức, hôm 12/3 gọi việc Mỹ cấm xuất khẩu vaccine là “tự cao tự đại và thái quá”.
Trong bối cảnh đó, tranh cãi về độ an toàn của vaccine AstraZeneca, loại vaccine đã được cấp phép ở châu Âu nhưng chưa được Mỹ phê chuẩn, là một đòn giáng khác đối với nỗ lực triển khai vaccine của châu Âu, vốn đã trì trệ do tình trạng thiếu hụt nguồn cung và các chuyến hàng bị trì hoãn, cũng như những lúng túng trong khâu phân phối.
Việc số ca nhiễm ở nhiều nước có xu hướng tăng trở lại càng làm trầm trọng thêm tình hình.
Tại Italy, sự xuất hiện các biến chủng lây lan mạnh hơn cùng với việc nước này không thể tiêm chủng đủ nhanh, đang thúc đẩy một đợt bùng dịch thứ ba. Đến ngày 15/3, hơn nửa đất nước có khả năng bị đóng cửa hoàn toàn. Truyền thông Italy nói rằng chính phủ có thể đặt đất nước vào tình trạng phong tỏa vào khoảng lễ Phục sinh 4/4, đánh dấu năm thứ hai người dân phải sống trong bế tắc vào kỳ nghỉ lễ.
Italy ba tuần qua bắt đầu ghi nhận số ca nhiễm gia tăng rõ rệt và các bệnh viện ở một số khu vực, như thành phố Brescia phía bắc đất nước, đã phải phát cảnh báo. Trên cả nước, số bệnh nhân phải điều trị tích cực đã tăng 40%, lên khoảng 3.000 người, kể từ ngày 18/2.
Trong cả đợt hai sóng bùng phát trước đây, hồi tháng ba và tháng 11 năm ngoái, số người phải chăm sóc đặc biệt là khoảng 4.000.
Vòng phong tỏa mới càng gây nhức nhối hơn khi đối diện với thực tế là tốc độ tiêm chủng ở Italy cũng như các nước khác ở châu Âu đang vô cùng chậm chạp. Tại Italy, chỉ 4,4 triệu dân, tương đương 7% dân số, được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó, chỉ 1,8 triệu người được tiêm đủ hai mũi.
“Người dân đã kiệt sức sau một năm của quá nhiều hạn chế, vấn đề”, Luca Zaia, thống đốc vùng Veneto, phía bắc Italy, nói.
Tại Đức, chính quyền Thủ tướng Angela Merkel đã hứa rằng đến tháng 9, tất cả người trưởng thành muốn tiêm vaccine sẽ được tiêm ít nhất một mũi. Đến nay, Đức đã tiêm được những mũi vaccine đầu tiên cho 7,2% dân số, so với gần 20% ở Mỹ.
“Thật đáng buồn là đại dịch vẫn chưa đi qua”, Lothar Wieler, chủ tịch Viện Robert Koch, cơ quan kiểm soát dịch bệnh liên bang Đức, ngày 12/3 nói. “Trái lại, chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của một đợt bùng phát thứ ba”.
Đức đã trải qua nhiều cấp độ phong tỏa khác nhau từ đầu tháng 11 nhưng bắt đầu dỡ bỏ một số hạn chế vào tuần trước, khi trường học rục rịch mở cửa và tại nhiều khu vực, các thành viên trong cùng gia đình có thể tụ tập thành nhóm tối đa 5 người.
Nhưng kế hoạch mở cửa trở lại còn phụ thuộc vào mức độ lây nhiễm và con số đang tăng trở lại.
“Chúng ta đang chạy marathon”, Wieler bình luận.
Đức cho rằng lý do chủ yếu khiến chương trình triển khai vaccine của họ chậm chạp bắt nguồn từ các vấn đề liên quan đến nguồn cung. Tuy nhiên, các vấn đề hậu cần và quyết định ban đầu mà chính phủ Đức đưa ra, không tiêm vaccine AstraZeneca cho người trên 65 tuổi, cũng ảnh hưởng đáng kể đến nỗ lực tiêm chủng.
Các số liệu thống kê quốc gia cho thấy có hàng triệu liều vaccine đã được phân phối nhưng chưa được sử dụng tại Đức.
Thomas Mertens, người đứng đầu ủy ban đánh giá vaccine Đức, hôm 11/3 cho biết ông hy vọng hầu hết người dân sẽ được tiêm chủng vào mùa thu. “Nhưng bạn biết đấy, không ai đủ tự tin tuyên bố điều này”, ông nói.
Tobias Kurth, giám đốc Viện Y tế Công cộng thuộc Bệnh viện Charité ở Berlin, nhận xét Mỹ dưới chính quyền Biden “đã theo đuổi một chiến dịch tiêm chủng có hiệu quả”. Ông ước tính Đức đã bị Mỹ bỏ lại phía sau từ 3 đến 6 tháng.
Theo Kurth, EU đã bỏ lỡ một thời điểm quan trọng vào giữa năm ngoái, khi các nước khác như Mỹ và Anh đạt được những thỏa thuận mua vaccine với các nhà sản xuất. Kết quả là EU những tháng gần đây phải nếm trải khủng hoảng nguồn cung trầm trọng.
Nhưng các nước EU còn phải vật lộn với những thách thức về hậu cần và chậm thích ứng. Ví dụ, Đức bắt đầu xây dựng các trung tâm tiêm chủng lớn sớm hơn nhiều nước khác nhưng họ làm vậy với giả định rằng nước này chủ yếu sử dụng những vaccine khó bảo quản như của Pfizer-BioNTech.
Kurth cho rằng Đức đã không thể điều chỉnh chiến lược của mình khi các vaccine dễ bảo quản, xử lý hơn, như của AstraZeneca, gần được phê duyệt.
Họ mới đây mới quyết định cho phép các bác sĩ gia đình, những người từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong chương trình tiêm chủng thông thường của Đức, tham gia vào nỗ lực.
“Chúng ta phải đơn giản hóa mọi thứ”, Kurth nói, thêm rằng trước khi được tiêm mũi vaccine đầu tiên, ông phải ký tới 6 trang giấy.